Hotline:0236.628.4455

Nông nghiệp hữu cơ là gì ?

Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế(IFOAM): Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều  kiện cho sự chuyển hóa  khép kín trong  hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không cho phép sử dụng 5 vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm:

  • Hóa chất bảo vệ thực vật,
  • Phân bón hóa học,
  • Chất kích thích tăng trưởng,
  • Sản phẩm đột biến gen
  • Và phân bắc

Lợi ích việc canh tác theo nông nghiệp hữu cơ

- Duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất

- Ít gây ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm, sông, hồ),

- Bảo vệ đời sống hoang dã (chim chóc, ếch nhái, côn trùng v.v...),

- Đa dạng sinh học cao, nhiều cảnh đẹp khác nhau,

- Đối xử tốt hơn với động vật nuôi,

- Ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài,

- Ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm,

- Không có hoocmon và chất kháng sinh trong các sản phẩm động vật,

- Chất lượng sản phẩm tốt hơn (hương vị, đặc tính tích lũy).

Các yêu cầu cơ bản của nông nghiệp hữu cơ trồng trọt

- Về đa dạng sinh học: Nông nghiệp hữu cơ khuyến khích các sinh vật và thực vật sống cùng nhau trong phạm vi lớn, không chỉ ở cùng trên một đồng ruộng mà kể cả các vùng sinh cảnh phụ cận. Càng nhiều các loài thực vật, động vật và các sinh vật đất khác nhau sống trong hệ thống canh tác thì ở đó càng có nhiều các sinh vật giúp duy trì độ phì của đất và ngăn cản sâu bệnh hại. Tính đa dạng sinh học này sẽ giúp cho môi trường sản xuất hữu cơ có năng lực sản xuất ra những sản phẩm lành mạnh trong một môi trường cân bằng.

- Về vùng đệm: Mỗi một vùng sản xuất hữu cơ phải được bảo vệ khỏi nguy cơ bị nhiễm các hóa chất rửa trôi hoặc bay sang từ ruộng bên cạnh. Vì thế, mỗi nông dân hữu cơ phải đảm bảo có một khoảng cách thích hợp từ nơi sản xuất rau hữu cơ đến nơi không sản xuất hữu cơ. Khoảng cách này ít nhất là 1 mét được tính từ bờ ruộng đến rìa của tán cây trồng hữu cơ. Nếu nguy cơ ô nhiễm cao thì vùng đệm sẽ phải được tính toán và bổ xung cho rộng hơn.

Hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ

Nếu nguy cơ ô nhiễm bay theo đường không khí thì sẽ phải trồng một loại cây để ngăn chặn sự bay nhiễm. Loại cây được trồng trong vùng đệm này phải khác với cây trồng hữu cơ. Nếu sự ô nhiễm theo đường nước thì sẽ phải tạo một bờ đất hoặc đào rãnh thoát nước để ngăn cản sự trôi nhiễm.

- Về sản xuất song song: Để tránh sự lẫn tạp giữa các loại cây trồng hữu cơ và không hữu cơ (Dù chỉ là vô tình), tiêu chuẩn hữu cơ không cho phép một loại cây cùng được trồng trên cả ruộng hữu cơ và ruộng thông thường tại cùng một thời điểm, chẳng hạn như cùng một lúc sản xuất dưa chuột hữu cơ và dưa chuột thông thường. Có thể được chấp nhận chỉ khi các giống được trồng trên ruộng hữu cơ và ruộng thông thường có thể phân biệt được dễ dàng giữa chúng với nhau. Trường hợp này có thể áp dụng cho các giống khoai tây có màu sắc khác nhau ( màu vàng và màu đỏ) hoặc cho cà chua anh đào (cà chua bi làm salad) với cà chua có kích tthước thông thường.

- Về các vật liệu biến đổi gen: Nông nghiệp hữu cơ ngăn chặn những rủi ro lớn tới sức khỏe và môi trường. Vì vậy, mặc dù những công nghệ phát triển mang tính khoa học cao đôi khi cũng không được chấp nhận nếu không thể dự đoán trước được những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sản xuất chúng. Vì lý do đó, các vật liệu biến đổi gen (GMOs) không được chấp nhận vì vật liệu gen đưa vào trong một giống nào đó khi được trồng có thể lan truyền qua con đường tạp giao sang các cây hoang dại hoặc các giống không biến đổi gen cùng họ. 

Làm thế nào để sản xuất hữu cơ bền vững ?

1. Nắm rõ yêu cầu chuyển đổi sang hữu cơ

Theo các tiêu chuẩn cơ bản của IFOAM toàn bộ trồng trọt và chăn nuôi sẽ được chuyển đổi sang quản lý hữu cơ. Có thể chuyển đổi từng bước cho đến khi các đơn vị sản xuất khác nhau trong trại thật sự có sự khác biệt và sản phẩm hữu cơ không thể lẫn với các sản phẩm thông thường khác.

Sản phẩm có thể được chứng nhận sau khi nông trại hoàn thành quá trình chuyển đổi, đồng thời toàn bộ các yêu cầu tiêu chuẩn liên quan phải được đáp ứng ngay từ đầu.Để chứng nhận cây hàng năm, các tiêu chuẩn phải được thỏa mãn ít nhất 12 tháng trước khi bắt đầu chu kỳ sản xuất, ví dụ trước khi trồng hoặc gieo hạt. Đối với cây lâu năm yêu cầu ít nhất 18 tháng trước vụ thu hoạch đầu tiên phải hoàn toàn là quản lý hữu cơ.

Bắt đầu giai đoạn chuyển đổi thường được tính từ ngày nộp đơn cho cơ quan cấp chứng nhận, khi mà nông dân tự cam kết tuân theo các tiêu chuẩn. Trong giai đoạn chuyển đổi, sản phẩm có thể dán nhãn là “sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong quá trình chuyển đổi” hoặc với điều kiện là các yêu cầu về tiêu chuẩn đã đạt được ít nhất 12 tháng.

2. Chuẩn bị về điều kiện xã hội, kỹ thuật và tài chính

Điều kiện xã hội: Để quá trình chuyển đổi được thuận lợi, người canh tác cần nhận được sự hỗ trợ và đồng tình từ người thân, họ hàng, hàng xóm, bạn bè và địa phương. Vì đó sẽ là nguồn hỗ trợ to lớn, giảm áp lực và giúp việc chuyển đổi được như mong đợi, ngoài ra các hộ sung quanh liên quan đến vấn đề vùng đệm.

Điều kiện về kỹ thuật: Các phương pháp canh tác mới cần được giới thiệu và ứng dụng. Các phương pháp này liên quan về: quản lý đất, quản lý dinh dưỡng, quản lý cỏ dại, kiểm soát sâu bệnh hại, chăn nuôi,…Vì vậy, nông dân cần trao đổi thông tin với những nông dân hữu cơ có kinh nghiệm, tham gia tập huấn, thử nghiệm các phương pháp và quan sát tác động của chúng,…

Điều kiện kinh tế: Trong quá trình chuyển đổi, đòi hỏi phải có nguồn vật liệu mới, vì thế cần có một số khoản đầu tư mới. Một số thay đổi khác liên quan đến gia tăng khối lượng công việc hoặc những yêu cầu thêm về lao động. Vì sản lượng sản xuất có thể giảm đi ít nhất trong những năm đầu chuyển đổi, nông dân cần phải tìm cách vượt qua những khó khăn này. 

3. Các yếu tố góp phần thuận lợi cho việc chuyển đổi

- Có động cơ thúc đẩy để quản lý nông trại bền vững

- Sẵn lòng thử những điều mới mẻ

- Yêu thích việc học hỏi không ngừng

- Có sự hài hòa giữa các thế hệ trong định hướng của nông trại

- Có kiến thức vững về các phương pháp canh tác hữu cơ

- Có khả năng đảm bảo đời sống nếu thu nhập giảm sút trong giai đoạn chuyển đổi

- Hệ thống canh tác phù hợp với vị trí của nông trại.

4. Lập kế hoạch chuyển đổi

Bước đầu tiên của một kế hoạch chuyển đổi là phân tích kỹ càng những điều chỉnh cần thiết trong trang trại trên cơ sở hiện trạng, mục tiêu của trang trại và những yêu cầu của một hệ canh tác hữu cơ. Để có được chứng nhận hữu cơ, giai đoạn chuyển đổi chính thức chỉ bắt đầu sau khi toàn bộ những yêu cầu tối thiểu của tiêu chuẩn đã được thỏa mãn. 

5. Xác định mục tiêu chuyển đổi

Đây bước then chốt, vì nó có tầm quan trọng trong tất cả các bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi. Bên cạnh thu nhập, các yếu tố khác như thực phẩm sẵn có cho gia đình, khối lượng củi đun được sản xuất trong nông trại, khối lượng công việc, cần phải được xem xét.

Đồng thời, nên phân tích xem liệu tất cả các mục tiêu này có thực tế không.

Một vấn đề đặt ra là sản phẩm sản xuất ra sẽ được bán với mức giá có lãi hay không ? Đây là yếu tố hết quan trọng liên quan đến việc hộ dân hay hộ liên kết có quyết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ hay không.

6.  Phân tích đặc điểm nơi canh tác

Để hoàn thiện quá trình chuyển đổi và để vượt qua những khó khăn có thể có, hiện trạng của nơi canh tác nên được phân tích kỹ càng. Nên phân tích các khía cạnh sau đây:

- Về người canh tác: động cơ thúc đẩy, bí quyết sản xuất và khả năng thử nghiệm những điều mới mẻ của họ

- Kích thước và chất lượng khu đất đang sử dụng, các điều kiện môi trường và khí hậu

- Loại đất, độ màu mỡ và cấu trúc đất, khả năng nước tưới, và cách thức quản lý hiện đang làm

- Hệ canh tác hiện nay, những cây trồng phù hợp với điều kiện này, sự phụ thuộc vào các cây trồng riêng rẽ

- Cung cấp dinh dưỡng từ nguồn phân bón có từ trang trại và phân bón mua từ bên ngoài

- Việc quản lý sâu bệnh hại và cỏ dại hiện nay, và áp lực của sự lây lan

- Số lượng và chủng loại của động vật trong trại, ý nghĩa của phân chuồng và việc trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi

- Cơ khí hóa (dụng cụ, máy móc), xây dựng (chuồng trại, hố, đất bậc thang v.v…)

- Tiếp thị sản phẩm, cách tồn tại trong thời gian chuyển đổi

- Lao động sẵn có, khối lượng công việc tổng thể, những mùa cao điểm

- Tình trạng kinh tế của nông trại, các nguồn thu nhập, năng lực, tiếp cận các khoản vay

Điều này rất quan trọng cho việc xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái bền vững, và tính đến nhân công trong hoạt động như làm cỏ, bắt sâu thủ công.

7. Thử nghiệm các phương pháp canh tác hữu cơ

Trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi sang canh tác hữu cơ toàn quy mô, nông dân có thể làm một số thí nghiệm về các phương pháp hữu cơ trong tại nơi canh tác của mình. Để áp dụng một phương pháp mới, nên tiến hành thử nghiệm trên diện tích nhỏ, sau đó tiến hành phân tích và đánh giá sự phù hợp về sau mở rộng dần, tránh bị shock về sản lượng cũng như vấn đề kinh tế.

Các phương pháp sau có thể thử nghiệm trên quy mô nhỏ

- Kết hợp một cây trồng mới trong luân canh hoặc như một cây trồng hỗn hợp

- Tác dụng của phân bón hữu cơ thương phẩm

- Dùng cây che phủ họ đậu trong canh tác lâu năm

- Dùng thuốc trừ sâu thiên nhiên để kiểm soát sâu bệnh hại

- Trong chăn nuôi, có thể đạt được những kinh nghiệm bằng cách:

- Tăng sự tiếp cận đồng cỏ và hoạt động ngoài trời của vật nuôi

- Trồng cây lấy cỏ làm thức ăn chăn nuôi để thay thế cho ăn cô đặc

- Thử nghiệm các loại thuốc thảo mộc để chữa trị trong công tác thú y.

Hãy liên hệ ngay số điện thoại 082.828.4455 để báo giá dịch vụ chi tiết !