(VITEST.COM.VN) Không chỉ theo đuổi những giá trị sáng tạo trong thiết kế, nhiều công trình còn nỗ lực góp tiếng nói chung đối với việc bảo vệ môi trường bằng cách đưa vật liệu xanh trở thành xu hướng.
Trong khi cả thế giới bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với tình trạng ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng đã tích cực tìm tòi, tạo ra các vật liệu sạch, thân thiện với môi trường hay còn gọi là vật liệu xanh. Mặc dù còn nhiều “chông gai” như chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn các vật liệu truyền thống, thế nhưng nhiều vật liệu xanh đã được các chủ đầu tư “ưu ái”, đem đến nhiều khởi sắc cho bức tranh kiến trúc Việt Nam.
Gạch không nung
Đây là loại vật liệu có nhiều ưu điểm về cách âm, cách nhiệt, khả năng chống cháy, chống nước, thoát ẩm, nâng cao hiệu quả kiến trúc, giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vữa xây, giá thành hạ...
|
Dù vậy, nhiều người dân vẫn thích sử dụng gạch nung đất sét do thói quen tiêu dùng và chi phí thấp hơn, khiến một số doanh nghiệp sản xuất gạch không nung không tiêu thụ được sản lượng như dự kiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết: Nếu tính tổng thể cả công trình, sử dụng gạch không nung đem lại nhiều lợi ích như: kết cấu công trình nhẹ và đặc biệt là các lợi ích về môi trường. Xét về lâu dài, hoàn toàn có thể tin rằng, ngành kiến trúc sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn gạch nung.
Sơn Nano
Công nghệ nano và vật liệu nano đã đem đến nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực y tế, môi trường, dệt may, xây dựng... Khi nhắc tới các giải pháp cho công trình xanh, không thể không nhắc tới sơn Nano, được ví như mảnh ghép hoàn hảo cuối cùng cho những công trình xanh hiện đại.
Chuyên gia cho biết: “Các ứng dụng mới nhất của công nghệ nano trong các vật liệu xây dựng có hiệu quả rất cao trong việc phục chế các công trình cổ. Ngoài ra, công nghệ nano có tính kháng nước thâm nhập bề mặt và cơ chế tự làm sạch”.
Sơn Nano là một trong những phương pháp tối ưu để xử lý bề mặt, có thể được sử dụng cho các vật liệu như thủy tinh, gạch, kim loại hoặc gỗ, với mục đích cải thiện các tính chất, chức năng cũng như kéo dài tuổi thọ của vật liệu. Các chất phủ bề mặt như vậy sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên như nước, năng lượng và các hóa chất làm sạch.
Kính tiết kiệm năng lượng
Kính tiết kiệm năng lượng được sử dụng khá phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu được chú ý ở Việt Nam, nhằm kiến tạo nên tiêu chuẩn cần thiết cho công trình xanh, thân thiện môi trường.
Hiện nay, một trong những loại kính thân thiện với môi trường đã được các công trình nổi tiếng trên thế giới là kính VRE1-46 của Viracon - nhà sản xuất kính hàng đầu của Mỹ. Loại kính này được sử dụng tại các tòa nhà nổi tiếng như: Tòa nhà Trump Tower & Hotel tại Las Vegas hay Toà nhà One World Trade Center, tại New York City - tòa nhà cao nhất nước Mỹ…
Tại Việt Nam, DOJI Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, P.Điện Biên, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội là công trình duy nhất sử dụng loại kính này. Lớp low E VRE 1-46 được phủ trên bề mặt số 2#, tạo ra màu sắc đặc biệt cho công trình và cho phép cản được 71% nhiệt năng do ánh nắng mặt trời truyền vào công trình, giúp giảm được ~ 70% tải cực đại cho hệ thống điều hòa trung tâm, mang lại hiệu quả về tiết kiệm năng lượng.
Đại diện Viracon cho biết: “Các tấm kính VRE1-46 của Viracon đã được yêu cầu chế tạo theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt tuyệt đối (ASTM, ISO, ANSI), không gây bức xạ, ngăn tia UV. Trong quá trình thiết kế và thi công, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các kiến trúc sư, kỹ sư đã tính toán nhằm đảm bảo hạn chế tối đa những ảnh hưởng với môi trường xung quanh công trình, mọi chỉ số đều vượt các quy định của tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành tại Việt nam về an toàn khi sử dụng, bảo vệ môi trường”.
|
Không chỉ thân thiện với môi trường, loại kính tại công trình số 5 Lê Duẩn được lựa chọn thể hiện được ý tưởng kiến trúc là tạo hình khối kim cương khổng lồ đem đến hiệu ứng ánh sáng độc đáo cả ban ngày và ban đêm; màu sắc thân thiện với môi trường, hòa quyện với bầu trời Hà Nội.
Trên thị trường hiện nay, các loại vật liệu xây dựng xanh cũng ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây với mức tăng trưởng 10-12%. Theo đánh giá của các chuyên gia, các sản phẩm xanh có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn các vật liệu truyền thống.
Nguồn: thanhnien.vn
Tin liên quan
- Hướng dẫn thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU (17.10.2024)
- Điểm mới của ISO 9001:2026 dự kiến công bố tháng 9/2026 (05.10.2024)
- Cách lựa chọn gạch đất sét nung phù hợp (09.11.2021)
- Gạch đất sét nung và vật liệu xây không nung trong tương lai (08.11.2021)
- Tác dụng của kính bảo hộ lao động. tại sao chúng ta cần sử dụng kính bảo hộ? (05.11.2021)
- Lý do nên sử dụng gạch không nung để xây nhà (01.11.2021)
- Xu hướng phát triển vật liệu xanh ở Việt Nam (14.08.2021)
- Ngành vật liệu xây dựng – đủ sức vươn mình ra thế giới (05.08.2021)
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (27.07.2021)
- Hưng Yên khuyến khích sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây không nung (10.07.2021)